Hướng tới Hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam (Phần 1)

14:39 | 11/04/2025
M.H

Trong bối cảnh tài sản mã hóa ngày càng phổ biến trên toàn cầu, đã đặt ra cả cơ hội, thách thức và rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính, sự phát triển của các nền kinh tế và cả an ninh quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi chính phủ đang nỗ lực đặt mục tiêu xây dựng khuôn khổ quản lý tài sản mã hóa, hướng tới hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững.

Tọa đàm “Hướng tới Hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam”

Để bàn luận rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí An toàn thông tin tổ chức Tọa đàm “Hướng tới Hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam” với khách mời là ông Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu chính phủ và ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Phóng viên: Trong bối cảnh Việt Nam đang có 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, với lượng giao dịch lên tới 100 tỷ USD mỗi năm, thì việc hướng tới một Hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại nước ta trở thành một yêu cầu cấp thiết. Mà trong đó bắt đầu bằng việc thí điểm sàn giao dịch tiền mã hóa theo đề xuất mới nhất từ bộ Tài chính. Hai ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Phan Đức Trung: Tôi nghĩ tất cả những con số đã phản ánh về việc Việt Nam chúng ta là thị trường tài sản mã hóa hoạt động rất sôi động. Nhưng hầu hết những con số này ghi nhận từ các công ty nước ngoài, họ đã chia sẻ và đánh giá người dân Việt Nam chúng ta giao dịch 17 triệu ví tài sản mã hóa đại diện cho 17 triệu người có thể sở hữu, số lượng sở hữu đâu đó có thể ít hơn. Nhưng đây là một con số rất là lớn, bởi chúng ta chỉ có một lượng sở hữu tài khoản chứng khoán ít hơn rất nhiều. Hiện Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc thí điểm sàn giao dịch cho thấy rằng tất cả các giao dịch này cần phải có giao dịch minh bạch. Để từ đây chúng ta nhìn nhận, có những đánh giá và quyết đáp đúng để điều chỉnh thị trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Ông Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu chính phủ (bên phải)

Ông Hoàng Văn Thức: Hiện tại, Việt Nam có thể nói là chưa có quy định pháp luật nào liên quan đến lĩnh vực quản lý, phát hành giao dịch tài sản mã hóa. Nhưng trên thực tế thì rất nhiều các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đang sở hữu và giao dịch tài sản mã hóa thông qua nền tảng phi tập trung của quốc tế. Việc chưa có quy định về pháp lý sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Có thể những người giao dịch, người đầu tư vi phạm quy định về tài trợ khủng bố, rửa tiền và cũng không thực hiện trách nhiệm của mình về đóng thuế. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư, gây thất thoát nguồn thu của nhà nước mà thậm chí nó còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. 

Trước tình hình này thì Đảng, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời và quyết liệt. Cụ thể, trong cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và đã nhất trí với đề xuất phải có phương án để quản lý lĩnh vực này, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như các vấn đề xã hội, đồng thời tăng giá trị cho nền kinh tế của đất nước. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và kịp thời. Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng Dự thảo trình chính phủ ban hành Nghị quyết liên quan đến thí điểm giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam. Hướng tới một hệ sinh thái tài sản mã hóa an toàn, minh bạch và bền vững, phục vụ cho việc phát triển tình kinh tế Việt Nam. 

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (bên phải)

Phóng viên: Chúng ta có thể mường tượng rõ về các cơ hội từ một sân chơi mới đang được hình thành. Ông Trung có dự báo gì về những biến động trong thời gian tới nếu sàn giao dịch tài sản mã hóa của Việt Nam đi vào hoạt động? 

Ông Phan Đức Trung: Tôi nghĩ rõ ràng chúng ta nhìn thấy đây là một sàn giao dịch thí điểm có nghĩa Chính phủ sẽ từng bước hoàn thiện thể chế và điều chỉnh. Theo quan điểm của tôi là hoàn chỉnh nhất về mặt pháp lý, cũng như đầy đủ nhất về mặt công cụ hay là đầy đủ nhất về các loạt tài sản. Tuy nhiên, điều khác biệt là lâu nay các giao dịch tài sản mã hóa thực hiện trên thị trường ngầm không được ghi nhận là tài sản. Dẫn đến việc có thể xảy ra những tranh chấp dân sự hay hình sự, mà chúng ta cũng không có cơ sở để điều chỉnh. Những vấn đề này đã hình thành rất nhiều năm với những vụ án, con số đều có liên quan đến tài sản mã hóa hay gọi là tài sản ảo. Tôi cho rằng đây là lần đầu tiên có những bước đi để ngăn chặn lại hoạt động đa cấp hay còn gọi là việc nhẹ lương cao. Thứ hai là đã đến lúc mà tất cả những sàn giao dịch quốc tế sẽ phải nhìn nhận và tìm cách mà tuân thủ với Việt Nam. Trước đây là hoạt động thanh toán mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu xuyên biên giới chúng ta đều có thể đi qua con đường phi mậu dịch thì đến một lúc họ cũng sẽ phải dừng lại, họ sẽ phải chia sẻ, phải đóng thuế chứ không thể là lách dưới những hàng hóa mà gọi là phi mậu dịch. 

Thứ ba là sàn thí điểm này một sàn đặc biệt, nhất là việc giao trách nhiệm, cũng như làm cầu nối để các cơ quan nhà nước hoàn thiện về thể chế. Đi cùng với chỉ đạo của Tổng Bí thư là các khu vực kinh tế và đặc biệt là kinh tế tư nhân sẽ phải thúc đẩy phát triển. Nhưng ngược lại là làm sao họ phải có trách nhiệm cho người dân, trước các vấn đề của xã hội. Chúng ta cũng biết là tất cả những sản giao dịch lớn ở các nước phát triển trước đây mới đầu đều gặp rất nhiều khó khăn về mặt công nghệ và bị tấn công. Gần đây nhất là sàn giao dịch Bybit bị mất 1,5 tỷ USD và bị rút 5 tỷ USD trong vòng một tuần. Nhưng rất may là Bybit có tổng tài sản thanh khoản là 16 tỷ USD và tất cả những tổ chức mà hoạt động trên toàn cầu đều sẵn sàng hỗ trợ Bybit. Đó là một sự liên thông. Vì vậy khi chúng ta thử nghiệm sàn thì không những cần đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam mà phải liên thông các sàn quốc tế. Theo quan điểm của tôi đây là 3 trụ cột rất mạnh, gây tác động đến xã hội. Nhưng ngược lại dù thế nào đây cũng là một sàn giao dịch sử dụng công nghệ cao, giúp đổi mới sáng tạo và cho tất cả những hoạt động như FinTech, BreakTech và các hoạt động điều chỉnh khác của các ngành nghề kinh tế khác, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng. 

Phóng viên: Có thể nhận định, sàn giao dịch tài sản mã hóa chỉ là bước khởi đầu. Nhưng phải là một bước khởi đầu vững chắc. Chúng ta không còn quá xa lạ khi tin tức về việc một sàn giao dịch bị tấn công gây thất thoát hàng tỷ USD. Do đó, sàn giao dịch không chỉ nơi để khai phá các nguồn lực kinh tế, mọi người tìm kiếm cơ hội mà còn là nơi minh bạch và an toàn. Ông Thức có thể chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm của mình trong vấn đề này?

Ông Hoàng Văn Thức: Theo tôi, vấn đề đầu tiên là tính an toàn và minh bạch cực kỳ quan trọng. Như chúng ta đã biết, sàn giao dịch tài sản mã hóa đầu tiên cách đây khoảng 15 năm. Do vậy, sàn giao dịch tài sản mã hóa đã có một khoảng thời gian phát triển khá dài, tuy nhiên vẫn còn tình trạng mất an toàn rồi vi phạm minh bạch. Ví dụ như năm 2019, Google bị tấn công. Năm 2020, sàn giao dịch lớn nhất thế giới Binance cũng bị vi phạm về độ an toàn, gần đây sàn Bybit bị rò rỉ hàng tỷ USD. Đây không còn là vấn đề rò rỉ mà là thất thoát. Do đó, cần đặt ra các tiêu chí an toàn và minh bạch cực kỳ quan trọng, nó thể hiện trong nguyên tắc của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết để trình Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chuyên trách cũng đặt ra nguyên tắc là phải thận trọng, an toàn và minh bạch. Để làm được một dịch vụ giao dịch hoàn hảo, thì cần có một quá trình, phải đi từng bước thật vững chắc, thật trọng để đảm bảo môi trường thực sự an toàn và minh bạch.

*còn tiếp…

Để lại bình luận