Toàn cảnh diễn ra Hội thảo
Hiện nay, thị trường tài sản mã hóa có quy mô giao dịch lên đến 200 tỷ USD mỗi ngày, với 617 triệu người dùng, chiếm khoảng 8% dân số toàn cầu. Trong đó, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam liên tục nằm trong Top 5 Chỉ số Chấp nhận Tài sản Số Toàn cầu của Chainalysis trong 4 năm qua, trong đó có 2 năm giữ vị trí dẫn đầu. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có khoảng 20 sàn giao dịch tập trung đang hoạt động, với hơn 1.000 cộng đồng marketing liên quan. Theo báo cáo của Binance vào tháng 5/2023, khối lượng giao dịch từ Việt Nam chiếm khoảng 5% tổng giao dịch toàn cầu. Các chuyên gia nhận định con số thực tế có thể còn cao hơn.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA cho biết, từ năm 2017 đến nay, Việt Nam mới chỉ xét xử được 02 vụ án. Điều này cho thấy khoảng trống trong cơ chế kiểm soát và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, trước những bước đi chính sách mới của Chính phủ, bao gồm Quyết định 1236 của Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số sắp được thông qua vào tháng 5 tới đây, cùng Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 01/3/2025 chỉ đạo triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
Tuy nhiên, đối với các đơn vị vận hành sàn giao dịch, ông Trung cho rằng, các quy định pháp lý chặt chẽ có thể đặt ra áp lực chi phí lớn đối với các doanh nghiệp không có đủ tiềm lực tài chính vì chi phí tuân thủ là vấn đề lớn, cần quan tâm khi vận hành sàn giao dịch chứ không chỉ là vốn điều lệ hay phí cấp phép.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch VBA phát biểu khai mạc Hội thảo
Có thể thấy được sự tăng trưởng bùng nổ nhưng thiếu khung pháp lý rõ ràng đang đặt ra nhiều thách thức đối với nhà đầu tư và hệ thống tài chính quốc gia. Việc thiếu cơ sở hạ tầng giám sát cùng hành lang pháp lý hoàn chỉnh khiến nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ mất tài sản mà không có cơ chế bảo vệ. Đồng thời, Nhà nước cũng thất thu nguồn thuế khổng lồ từ dòng tiền giao dịch tài sản số mỗi năm.
Tham luận tại hội thảo, Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho rằng, thông tin, quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung là một lĩnh vực không chỉ mang lại tiềm năng kinh tế to lớn mà còn đặt ra thách thức lớn về an ninh quốc gia. Đây cũng là cơ hội quý báu để lực lượng công an trao đổi, học hỏi và tìm kiếm sự đồng thuận với cộng đồng Blockchain, qua đó cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái tài sản mã hoá minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh rằng “Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời, công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet để chặn truy cập vào những nền tảng này”.
Thượng tá Dương Đức Hùng, Phó trưởng phòng Chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an trình bày tham luận tại Hội thảo
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ khoảng 30% giao dịch tài chính tại Việt Nam được thực hiện qua hệ thống ngân hàng chính thức. Phần còn lại chủ yếu là tiền mặt hoặc các kênh không kiểm soát được - một điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài trợ khủng bố.
Hiện nay, Việt Nam chưa có một khung pháp lý đầy đủ và rõ ràng để quản lý tài sản mã hóa và các sàn giao dịch. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc giám sát, mà còn khiến các sàn giao dịch không phép hoạt động tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải có Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hoá, stablecoin, sàn giao dịch tài sản mã hoá; Cần xây dựng Bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá; Quy định về kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, tin cậy và minh bạch của thị trường. Ba vấn đề này cần được quy định trong các văn bản pháp lý mà trước mắt là Nghị quyết của Chính phủ về thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh thị trường tài sản số đang được quan tâm mạnh mẽ hiện nay, nhằm góp phần thúc đẩy việc tuân thủ quy định pháp lý, VBA tiên phong và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hợp tác với Hiệp hội Các chuyên gia phòng chống rửa tiền (ACAMS) về đào tạo và cấp chứng chỉ tuân thủ quy định pháp lý phòng chống rửa tiền. ACAMS (Certified Anti-Money Laundering Specialist) là chứng chỉ quốc tế uy tín hàng đầu trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, được công nhận tại hơn 180 quốc gia, không chỉ đòi hỏi thành viên chứng minh năng lực chuyên môn mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đạo đức nghề nghiệp và các chuẩn mực toàn cầu về tuân thủ.
Cũng tại Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VBA và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, hướng đến việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp để quản lý và vận hành các tài sản số tại Việt Nam.