Năng lực mạng cấp 2: Trung Quốc (Phần II)

10:37 | 21/10/2022
Nguyễn Văn Liệu (Bộ Công an)

Qua phân tích tại Phần I của bài báo (đăng tải trên số 3 (067) 2022 Tạp chí An toàn thông tin) cho thấy bên cạnh việc bị ảnh hưởng, chi phối từ Mỹ, Trung Quốc đã có những chiến lược và bước tiến lớn trong việc nâng cao năng lực mạng. Phần II của bài báo sẽ đánh giá năng lực mạng cấp 2 của quốc gia này trên các khía cạnh: An ninh mạng và khả năng phục hồi; Vai trò lãnh đạo toàn cầu về các vấn đề không gian mạng; Khả năng tấn công mạng.

AN NINH MẠNG VÀ KHẢ NĂNG PHỤC HỒI Vấn đề an ninh thông tin được chính phủ Trung Quốc quan tâm từ những năm 1990, tuy nhiên trọng tâm là vấn đề “an ninh nội dung”, cụ thể là kiểm duyệt những thông tin mang tính chất lật đổ chính quyền. Mối quan tâm của Bắc Kinh là nội dung thông tin chứ không phải các yếu tố khác, phản ánh quan niệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về an ninh quốc gia, quan niệm này nặng về tính tư tưởng hơn so với quan niệm của phương Tây. Có khả năng việc tập trung vào kiểm soát nội dung thông tin đã làm giảm nỗ lực thúc đẩy các yêu cầu an ninh mạng (ANM) khác. Các cú sốc liên tiếp đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với ANM. Năm 2013, ngoài vụ rò rỉ Snowden, Trung Quốc phải đối mặt với vụ phơi bày về một đơn vị gián điệp mạng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đơn vị 61398 (do công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ công bố). Trước đó, việc nghe lén các lãnh đạo cao cấp do nguyên bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang ra lệnh vào năm 2012 cho thấy lỗ hổng trong thông tin liên lạc của giới lãnh đạo nước này và sự nguy hiểm khi gián điệp mạng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của trung ương. Bắc Kinh đã rất nghiêm túc trong khi đánh giá về tình hình an ninh mạng của họ. Một báo cáo năm 2017 của Nhóm kỹ thuật Ứng cứu khẩn cấp mạng máy tính quốc gia Trung Quốc (CNCERT) cho biết, các cuộc tấn công APT từ nước ngoài đang đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Báo cáo đề cập đến những thiệt...