Lãnh đạo Ban Cơ yếu tặng hoa chúc mừng Cục QLKTNVMM nhân Kỷ niệm 41 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2021)
CHẶNG ĐƯỜNG 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Ngày 20/3/1980, thực hiện Chỉ thị số 85/CT-TW và Quyết định số 61/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng và tổ chức ngành Cơ yếu Việt Nam trong giai đoạn mới, Trưởng ban Ban Cơ yếu Trung ương mà nay là Ban Cơ yếu Chính phủ (CYCP) đã ký Quyết định số 131/QĐ-BCY thành lập Cục Nghiệp vụ Kỹ thuật, sau đổi tên thành Cục Quản lý kỹ thuật và nay là Cục QLKTNVMM.
Nhiệm vụ chính của Cục QLKTNVMM khi thành lập là bảo đảm cung cấp tài liệu, thiết bị kỹ thuật và sửa chữa máy mã; triển khai và chỉ đạo sử dụng các loại máy mã cho các đơn vị cấp Quân khu, Quân đoàn; nghiên cứu biên soạn mẫu biểu, sổ sách quản lý và nghiên cứu thiết kế các loại trang bị nghiệp vụ cơ yếu. Hiện nay, Cục QLKTNVMM là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Trưởng ban Ban CYCP thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng và thống nhất quản lý hệ thống mạng liên lạc cơ yếu; quản lý, kiểm soát việc sử dụng các loại sản phẩm mật mã (SPMM); thống nhất quản lý và bảo đảm chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật mật mã (KTMM), SPMM cho hoạt động cơ yếu trong phạm vi cả nước.
Xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam chính quy tiến thẳng lên hiện đại
Trong suốt chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Cục QLKTNVMM đã luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình góp phần vào công cuộc xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam chính quy, hiện đại. Cục xác định nhiệm vụ tham mưu cho Thủ trưởng Ban CYCP về xây dựng và phát triển hệ thống KTMM, triển khai các loại hình KTMM và trực tiếp quản lý, theo dõi, chỉ đạo sử dụng các hệ thống KTMM trong toàn ngành Cơ yếu luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt kể từ khi thành lập cho đến nay.
Ngày 05/3/2020, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 56-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Trong đó xác định một số nhiệm vụ quan trọng như: Tăng cường sự quản lý thống nhất của Nhà nước về cơ yếu, bảo đảm nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác cơ yếu trong giai đoạn mới; Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã; Đẩy mạnh phương thức quản lý, triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát các SPMM theo hướng tự động, đồng bộ và được tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông quốc gia; Tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp an toàn kỹ thuật nghiệp vụ mật mã; Đẩy mạnh chuyển giao, tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại; Củng cố, phát triển đồng bộ hệ thống KTMM trên mạng liên lạc cơ yếu, duy trì các loại hình KTMM truyền thống, kết hợp với phát triển KTMM hiện đại….
Nhận thức được vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong Nghị quyết, Cục QLKTNVMM đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam trong các giai đoạn; chủ trì giúp Ban CYCP xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, dự án đổi mới và phát triển hệ thống KTMM. Thường xuyên củng cố, phát triển vững chắc hệ thống mạng liên lạc cơ yếu (Quân đội, Công an, Ngoại giao, Đảng - Chính quyền) và các mạng liên lạc đặc biệt có sử dụng KTMM; triển khai các SPMM chuyên dụng, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin - viễn thông trọng yếu của Đảng, Nhà nước (bảo mật kênh truyền IP, hệ thống truyền hình hội nghị, chứng thư số phục vụ bảo mật, bảo mật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành, hệ điều hành tác nghiệp,…); triển khai SPMM để bảo mật các hệ thống thông tin chỉ huy, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy các cấp (bảo mật thoại/fax/tin nhắn cố định và di động; bảo mật thông tin vô tuyến điện sóng ngắn, sóng cực ngắn, thông tin vệ tinh Vinasat,…); bố trí dự trữ, dự phòng các trang thiết bị, SPMM sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, khẩn cấp.
Xây dựng văn bản pháp lý về QLKTNVMM
Để thống nhất chặt chẽ về quản lý, triển khai các hệ thống KTMM, ngay từ khi thành lập, Cục QLKTNVMM đã tích cực tham mưu giúp Ban xây dựng các quy tắc, quy trình khai thác, sử dụng KTMM, SPMM; quy định về quản lý, sử dụng các loại hình kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã. Cục QLKTNVMM đã tham gia xây dựng Pháp lệnh Cơ yếu và chủ trì tham gia giúp Ban xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 124/2003/NĐ-CP ngày 28/10/2003 của Chính phủ quy định về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, sử dụng mật mã; Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 08/5/2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước... Cục đã tích cực tham gia xây dựng Luật Cơ yếu và các văn bản thi hành Luật Cơ yếu, trong đó, đã chủ trì, tham mưu giúp Ban xây dựng Nghị định số 40/2013/NĐ-CP ngày 26/4/2013 của Chính phủ quy định về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; Nghị định số 01/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cơ yếu về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Ngoài ra, Cục còn tham mưu với Ban xây dựng và ký kết nhiều văn bản thỏa thuận phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về bảo mật và an toàn thông tin; xây dựng nhiều văn bản quản lý, sử dụng SPMM triển khai trong toàn ngành Cơ yếu.
Nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ
Công tác nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã, đồng thời là cơ sở để tham mưu, đề xuất phương án triển khai, sử dụng kỹ thuật và quản lý chỉ đạo sử dụng KTMM. Do đó, Cục QLKTNVMM luôn chú trọng, quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong những năm qua, các thế hệ cán bộ nhân viên của Cục đã nghiên cứu, phát triển thành công nhiều SPMM các loại. Các SPMM do Cục nghiên cứu, phát triển đều có tính ứng dụng cao, phù hợp với các yêu cầu thực tế, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của ngành Cơ yếu. Cục QLKTNVMM đã chủ trì, tham gia 01 đề tài KHCN cấp quốc gia, trên 80 nhiệm vụ KHCN cấp Ban, trên 60 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở. Trong đó, nhiều nhiệm vụ đã được Hội đồng KHCN nghiệm thu, đánh giá ở mức xuất sắc, phần lớn các sản phẩm do Cục nghiên cứu đã được đưa vào sử dụng thực tế trong ngành Cơ yếu.
Công tác bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện
Cục QLKTNVMM đã thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện kỹ thuật nghiệp vụ mật mã cho hoạt động cơ yếu trong toàn Ngành. Hằng năm, đã tổ chức sản xuất, thiết lập chương trình, tham số nghiệp vụ mật mã, cung cấp hàng trăm tấn tài liệu, sổ giấy nghiệp vụ, hàng nghìn trang thiết bị mật mã các loại cho các hệ thống tổ chức cơ yếu, không để xảy ra sai sót, mất an toàn KTMM. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, duy trì công tác huấn luyện tại chức trong toàn Ngành, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả SPMM và nghiệp vụ cơ yếu của các đơn vị. Cục đã chủ trì giúp Ban tổ chức 06 Hội thi kỹ thuật nghiệp vụ mật mã toàn ngành Cơ yếu (1990, 2000, 2005, 2010, 2015, 2021) và đang chuẩn bị hướng tới Hội thi lần thứ VII - năm 2025.
Đảm bảo an toàn trong công tác chuyển đổi số cho các Bộ, ngành
Năm 2024 đánh dấu bước đột phá trong công tác bảo mật kỳ thi tại Việt Nam khi Cục tham mưu cho Ban triển khai thành công giải pháp bảo mật đề thi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhận thấy những rủi ro tiềm tàng của phương thức vận chuyển đề thi truyền thống, Cục đã đề xuất giải pháp thay thế hoàn toàn phương thức vận chuyển bằng con người qua các phương tiện giao thông bằng hệ thống chuyển giao đề thi điện tử được mã hóa bảo mật. Đề thi tuyển chọn đội tuyển Olympic quốc tế được chuyển giao bằng phương thức điện tử mã hóa đã đánh dấu một bước ngoặt trong công tác tổ chức thi cử, giúp loại bỏ nguy cơ thất lạc, lộ lọt thông tin, đồng thời nâng cao tốc độ, tính an toàn và hiệu quả quản lý đề thi. Tháng 12/2024, Cục cũng triển khai bảo mật thành công kỳ thi học sinh giỏi quốc gia - kỳ thi có quy mô toàn quốc, đòi hỏi mức độ bảo mật cao và đảm bảo tính toàn vẹn tuyệt đối của đề thi.
Tiếp nối thành công này, trong năm 2025, Cục sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai đồng bộ giải pháp bảo mật cho ba kỳ thi quan trọng cấp quốc gia: Kỳ thi tuyển chọn đội tuyển Olympic quốc tế, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Việc áp dụng giải pháp mã hóa, bảo mật đề thi không chỉ khẳng định bước tiến quan trọng trong công tác tổ chức thi cử, mà còn thể hiện vai trò tiên phong của Cục trong việc tham mưu, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, góp phần hiện đại hóa ngành giáo dục và đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong các kỳ thi quốc gia.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Bên cạnh việc bảo mật cho các tổ chức, cá nhân trong nước, Cục QLKTNVMM đã nghiên cứu phát triển thành công các sản phẩm bảo mật phục vụ liên lạc giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta với Lãnh đạo các nước. Trong nhiệm vụ hợp tác quốc tế, trong các năm qua, Cục đã cử nhiều lượt chuyên gia giúp Cơ yếu Lào và Campuchia, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển Ngành Cơ yếu Lào, Campuchia, củng cố mối đoàn kết gắn bó hữu nghị và đoàn kết giữa ngành Cơ yếu của 3 nước. Đã xây dựng và triển khai cho ngành Cơ yếu Lào các phần mềm mã dịch. Để ghi nhận những đóng góp, năm 2005 Nhà nước Lào đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục QLKTNVMM. Ngoài ra, một số cán bộ của Cục cũng đã được nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước Lào và Campuchia.
Những phần thưởng cao quý
Những đóng góp của Cục trong gần nửa thế kỷ qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2015); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010), Nhì (năm 2005), Ba (năm 2000 và 2012); Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2005); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2021).
Tập thể Cục và nhiều tập thể, cá nhân trong Cục cũng được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ban Đối ngoại Trung ương và Ban CYCP tặng Cờ thi đua, Bằng khen. Đảng bộ Cục QLKTNVMM hằng năm đều được công nhận là đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cán bộ, nhân viên Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã tại Hội nghị Tổng kết năm 2024
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA CỤC TRONG THỜI GIAN TỚI
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm đổi mới về mọi mặt, nhằm tạo nên những đột phá. Thực tế đang đòi hỏi ngành Cơ yếu phải có sự thay đổi, sự dịch chuyển về chức năng, nhiệm vụ. Trước yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo mật của ngành Cơ yếu nói chung và của Cục QLKTNVMM nói riêng sẽ hết sức nặng nề. Cục đã đặt ra một số định hướng để phát triển trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 01/2024/NĐ-CP ngày 01/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cơ yếu về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, các quy định, quy trình về quản lý, triển khai, sử dụng SPMM cho phù hợp với tình hình phát triển và sử dụng KTMM.
Thứ hai, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 56 của Bộ Chính trị, trong đó, tham mưu triển khai Chương trình phát triển hệ thống kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã ngành Cơ yếu Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Thứ ba, tham mưu cho Lãnh đạo Ban chỉ đạo công tác quản lý, triển khai sử dụng KTMM và SPMM; củng cố, phát triển vững chắc hệ thống KTMM, mạng liên lạc cơ yếu, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các SPMM, giải pháp bảo mật, an toàn thông tin cho các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của Ban CYCP; tập trung xây dựng, triển khai Trung tâm quản lý, giám sát SPMM; hệ thống làm việc từ xa; mở rộng triển khai sử dụng phần mềm quản lý SPMM đáp ứng yêu cầu quản lý và chuyển đổi số trong Ngành. Đẩy mạnh ứng dụng cải cách hành chính và chuyển đổi số trong hoạt động của Cục và trong công tác quản lý, bảo đảm KTMM.
Thứ năm, kiểm tra và chỉ đạo Cục Cơ yếu các bộ, ngành tăng cường kiểm tra nghiệp vụ đối với các đơn vị cơ yếu về chấp hành các quy định quản lý, triển khai sử dụng SPMM, chuyên môn, nghiệp vụ KTMM, kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống máy mã. Kiểm tra việc ủy quyền sản xuất SPMM; kiểm tra việc chấp hành các quy định của ngành Cơ yếu về quản lý, sử dụng SPMM.
Thứ sáu, thực hiện quản lý tốt trang thiết bị, sản phẩm, tài liệu mật mã; các kho nghiệp vụ cơ yếu; đổi mới công tác quản lý, tiếp nhận, cấp phát SPMM.
Thứ bảy, tiếp tục xây dựng Đảng bộ Cục luôn trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết thống nhất; quan tâm phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo Ban CYCP; sự giúp đỡ, đồng hành của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Cơ yếu; Đảng ủy, Lãnh đạo Cục QLKTNVMM cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ nhân viên đặt quyết tâm cao nhất, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, kinh nghiệm quý báu của 45 năm qua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng hơn nữa với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng.